Tư duy lạc quan có thể mang lại nhiều lợi ích. Hãy cùng tìm hiểu thái độ tích cực có thể làm cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn như thế nào.
Để giúp bạn khởi đầu tư duy lạc quan, chúng tôi đã tham vấn các chuyên gia trị liệu và các nhà tâm lý học để không chỉ trình bày những lợi ích của tư duy tích cực, mà còn hướng dẫn bạn cách phối hợp với việc luyện tập để đạt hiệu quả lâu dài. Hãy đọc tiếp để tìm hiểu 5 điều tư duy tích cực có thể thay đổi cuộc đời bạn và làm thế nào để bắt đầu suy nghĩ tích cực hơn ngay từ hôm nay.
1. Tạo dựng một tinh thần minh mẫn
Tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Chloe Carmichael nói rằng, “Tư duy tích cực chắc chắn có tác động đến sức khỏe tinh thần của bạn”. “Trầm cảm và lo âu có liên quan trực tiếp với những suy nghĩ tiêu cực, vì vậy tư duy lạc quan chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho bạn.” Thay đổi quan điểm dần dần có thể chuyển biến thái độ của bạn về lâu về dài.
Tiến sĩ tâm lý trị liệu và tác giả sách “It Ends With You: Grow Up and Out of Dysfunction” Tina B. Tessina nói rằng “Não bộ có xu hướng lặp đi lặp lại những thứ quen thuộc theo những đường truyền dẫn tế bào thần kinh đã được xác lập. Việc lặp lại một câu chú, một lời xác nhận, hay một lựa chọn nào đó sẽ tạo ra những đường dẫn truyền mới, và cuối cùng chúng sẽ trở nên tự nhiên vô ý thức. Những luồng suy nghĩ mới sẽ chạy qua đầu bạn giống như những suy nghĩ cũ, hoặc giống như một bài hát quen thuộc bạn đã nghe đi nghe lại nhiều lần.”
Những suy nghĩ tích cực vô ý thức sẽ tạo nên một nền tảng tinh thần giúp trí não bạn thư giãn. Điều này giúp bạn ra quyết định dễ dàng hơn và không tự giày vò chuyện đã rồi. Đối với mục tiêu rõ ràng và phán xét minh mẫn, động lực và khao khát hoàn thành những mục tiêu này sẽ tăng lên khi bạn nhìn thấy khả năng thực hiện chúng.
2. Giúp cơ thể khỏe mạnh
Thoạt nhìn thì tư duy tích cực dường như chỉ tác động trực tiếp đến tinh thần, nhưng thật ra việc thay đổi quan điểm sống còn có thể có ích lợi cho thể chất của bạn. Nhà tâm lý Damon giải thích rằng “Suy nghĩ tích cực làm giảm ảnh hưởng của các hormone căng thẳng đối với cơ thể và cho phép cơ thể tận dụng khả năng tự chữa lành vốn có”. “Tuy nhiên, suy nghĩ tiêu cực sẽ kích động những phân khu trong não bộ làm giải phóng các hormone căng thẳng. Luồng hormone gây hại này nếu không được kiểm soát đúng cách có thể dẫn đến nhiều triệu chứng rối loạn và các chứng bệnh thường gặp ngày nay.”
Về lâu dài, những suy nghĩ tích cực được vận dụng thường xuyên sẽ giúp cơ thể bạn dẻo dai hơn và có thể chống chọi với bệnh tật bằng cách phóng thích các hormone thần kinh để bù đắp các hormone căng thẳng. Nhà tâm lý Damon nói, “Điều này cũng giống như việc giữ thăng bằng một con tàu trên mặt nước để tiếp tục dong buồm ra khơi vậy. Nếu những suy nghĩ tiêu cực chiếm ưu thế, con tàu sẽ có nguy cơ lật úp, và cơ thể sẽ trở nên mệt mỏi, kiệt quệ, khi đó hệ miễn dịch cũng bị suy yếu.”
3. Mang lại vẻ ngoài rạng rỡ
Tư duy tích cực không chỉ giúp ích cho cơ thể bạn từ bên trong, nó còn có thể cải thiện bề ngoài của bạn nữa đấy. Tiến sĩ Carmichael nói, “Tập trung vào những điều tiêu cực sẽ làm gia tăng lượng hormone căng thẳng trong cơ thể. Và chúng ta đều biết rằng những người bị căng thẳng thường không có được vẻ ngoài rạng rỡ, khỏe khoắn.”
Có thể căn nguyên của các vấn đề về da không phải là từ trạng thái căng thẳng không kiểm soát được, nhưng nó thường là nhân tố gây ra các triệu chứng ban đầu như nổi mụn và mề đay. Một nụ cười nhẹ nhàng đã đủ làm khuôn mặt bạn tươi tắn hơn, còn có thể giúp bạn nhanh chóng hướngtheo lối suy nghĩ tích cực. Từ đó, mức độ căng thẳng của bạn sẽ được kiểm soát, giúp da dẻ bạn rạng rỡ hơn. Tiến sĩ Carmichael nói rằng, “Những cuộc nghiên cứu cho thấy việc duy trì vẻ mặt tươi vui dễ chịu thực sự làm tinh thần bạn phấn chấn bởi vì bạn xem đó là một dấu hiệu của hạnh phúc, và tâm trạng vui tươi sẽ dẫn đến một vẻ ngoài khỏe khoắn.
4. Trở nên tự tin hơn
Có lẽ một trong những lợi ích quan trọng nhất của tư duy tích cực là nó có thể thay đổi cách bạn nhìn nhận chính bản thân mình.Tiến sĩ Tessina nói “Hầu hết những bệnh nhân của tôi không nhận ra rằng họ phải chịu trách nhiệm đối với cảm xúc của chính họ, và không một ai khác có thể làm họ cảm thấy tốt đẹp hơn”.Cô khuyên nên dành thời gian để nhận ra bạn đang nói gì với chính bản thân mình. “Liệu đó có phải là một chuỗi các nhận thức bi quan tiêu cực hay không? Nếu đúng là như vậy, điều đó căng thẳng như thể một ai đó cứ liên tục đè nặng lên vai bạn, cố hạ gục bạn vậy.Thật khó để nhận biết bạn đang thực sự muốn điều gì”. Một khi bạn suy nghĩ với thái độ tích cực hơn, bạn sẽ bắt đầu có niềm tin và cảm giác chắc chắn, bởi vì trước nhất bạn sẽ bắt đầu tin tưởng vào chính mình. Tessina nói, “Hãy nhớ rằng người đầu tiên bạn cần thiết lập mối quan hệ là chính bạn. Hãy đối xử tốt với bản thân và hãy bắt đầu với những suy nghĩ tích cực, tất cả những lợi ích của nó sẽ dần hé mở và tăng lên theo thời gian.”
5. Củng cố các mối quan hệ của bạn
Bên cạnh việc cải thiện lòng tự trọng và thúc đẩy sự tự tin, tư duy tích cực sẽ lan tỏa sang những người xung quanh bạn. Damon giải thích, “Bản chất tốt đẹp do tư duy tích cực mang lại có thể giúp bạn trở nên giàu lòng trắc ẩn không chỉ với bản thân, mà còn đối với những người khác. Điều đó có thể làm tăng sự thấu hiểu, lòng tốt và sự hợp tác nhiều hơn. Tất cả những điều này sẽ giúp bạn thiết lập và thúc đẩy nhiều mối quan hệ trong cuộc sống, từ gia đình, người thân và những người đồng nghiệp bạn gặp gỡ hàng ngày. Hơn nữa, với một thái độ lạc quan bạn sẽ hài lòng hơn trong các mối quan hệ và thu hút những người tích cực.”
Vậy, hãy bắt đầu nhé!
Để giúp bạn đạt được những lợi ích của tư duy tích cực, Tessina, Carmichael và Damon đã đề nghị thực hiện những thay đổi đơn giản trong đời sống thường nhật sau đây để dần dần biến chuyển tư duy của bạn.
Ghi chú: Hãy ghi lại những lời chú thích trên lịch hàng ngày về bất kỳ thành tựu nào bạn muốn ăn mừng hay bất kỳ sự kiện nào làm bạn cảm thấy thích (ví dụ, cảm thấy tự hào bởi vì bạn đã đi tập gym, sếp đã nhận xét tích cực về bạn, nhận được một lời khen từ bạn bè).
Thấu hiểu chính mình: Hãy chủ động tham gia những sự kiện làm bạn cảm thấy vui, ngay cả khi bạn cần phải lên lịch trước. Gặp gỡ một người bạn cũ, nghe những bài hát yêu thích, vẽ tranh, đọc sách, hay mua vé xem một trận đấu thể thao.
Lưu lại hình ảnh: Hãy để bạn nhìn thấy những bằng chứng cho sự thành công của bản thân. Trưng bày những tấm ảnh lưu lại cái sự kiện vui nhộn, cúp thể thao, những bài báo bạn từng đăng, v.v… Bạn nên đánh giá cao chính bản thân mình, và khi bạn thấy chúng hàng ngày, bạn sẽ cảm thấy giá trị.
Tìm một nơi cho bản thân: Hãy tạo nên một nơi chốn bình yên trong chính bạn để bạn có thể “ghé thăm” mỗi khi bực bội. Nghĩ về một địa điểm có thực hoặc tưởng tượng, nơi gợi cho bạn cảm giác bình yên.Nhắm mắt lại và đắm mình hoàn toàn vào trải nghiệm ở nơi đó.Thường xuyên luyện tập đi đến nơi đó trong trí tưởng tượng để bạn có thể nghĩ đến nó bất cứ lúc nào, nhất là khi bạn bị căng thẳng.
(Theo totalbeauty)